Hỏi đáp

Dành cho người bệnh

BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI

THÂN THIỆN - AN TOÀN - HIỆU QUẢ

Nhập viện vì sốt xuất huyết tăng, nhiều trường hợp bị sốc nặng.

Thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM điều trị nhiều trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca bị sốc nặng, tổn thương đa cơ quan.

Theo các bác sĩ, mùa mưa năm nay tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đến sớm, do đó dịch sốt xuất huyết có nguy cơ sớm lan rộng. Tuy vậy vẫn còn nhiều gia đình tự điều trị, không phát hiện sớm nên khi trẻ được đưa đến bệnh viện đã ở giai đoạn muộn.

 

Tăng gấp 1,5 – 2 lần so với cùng kỳ

BS CKII Phan Vĩnh Thọ, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cho hay trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca sốt xuất huyết đến khám và nhập viện tăng gấp 1,5 – 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, trong hai tuần đầu tháng 4, khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã điều trị gần 10 ca sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương các cơ quan. Có ca sốc sốt xuất huyết rất nặng khi nhập viện.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, theo thống kê cho biết từ tháng 3/2022 đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 – 100 bệnh mắc sốt xuất huyết, trong số này có 15% trường hợp phải nhập viện điều trị. Tính đến thời điểm hiện tại, BV Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận 47 ca SXH trẻ em và 283 ca người lớn.

Hiện tại các khoa của bệnh viện đang điều trị khoảng 80-100 ca mắc sốt xuất huyết (cả trẻ em và người lớn), trong đó có những ca mắc bệnh sốt xuất huyết rất nặng.

Một trường hợp sốt xuất huyết nặng người lớn đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người dân không nên chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hằng năm và giai đoạn cao điểm của bệnh tại TP thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau – thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue. Tuy nhiên thực tế hiện nay đã có nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết, với nhiều ca bệnh nặng, thậm chí có ca tử vong.

Bên cạnh đó, người dân còn tâm lý sợ dịch bệnh COVID-19 nên hạn chế đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám dù đã có triệu chứng. Hoặc vì người dân quá lo dịch bệnh COVID-19 mà quên đi bệnh sốt xuất huyết và các bệnh lý cũng có triệu chứng sốt khác như tay chân miệng.

Thực tế có những trường hợp gia đình tự điều trị, không phát hiện sớm bệnh cảnh nên khi trẻ được đưa đến bệnh viện đã ở giai đoạn muộn. Khi đó việc hồi sức ở những trẻ này rất phức tạp, tỉ lệ tử vong cao và có thể để lại di chứng cho trẻ sau này nếu vượt qua được

Các bác sĩ cho biết, với những triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết khá tương đồng với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, đặc biệt giai đoạn khởi phát của bệnh có khi giống với COVID-19 nên dễ bỏ sót.

Do đó, phụ huynh cần chú ý đặc điểm nhận biết bệnh sốt xuất huyết là sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì)…

Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 của bệnh với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt) và thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.

Bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong. Vì vậy các phụ huynh cần lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục từ 3 ngày trở lên phải đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời.

Phụ huynh không nên chủ quan, hoặc tự mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ, bởi trẻ có thể chuyển nặng đột ngột vào ngày thứ 3-7 của bệnh – thời điểm thường giảm hoặc hết sốt, gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng.

Nguồn: HCDC