Hỏi đáp

Dành cho người bệnh

BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI

THÂN THIỆN - AN TOÀN - HIỆU QUẢ

NÉN NỖI ĐAU MẤT CẢ BA LẪN MẸ DO COVID-19, NỮ ĐIỀU DƯỠNG CÙNG ĐỒNG ĐỘI KIÊN CƯỜNG CHỐNG DỊCH

Trong những ngày dịch bệnh COVID-19 đang căng thẳng tại TP. Hồ Chí Minh, câu chuyện về các y bác sĩ, nhân viên y tế gác lại chuyện riêng, xung phong vào điểm nóng khiến chúng ta cảm thấy càng được an ủi và tự hào về những người “chiến sĩ áo trắng”. Một trong số đó là câu chuyện về chị Nguyễn Thị Như Thủy – điều dưỡng khoa Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (BVBNĐ).
 
Chị Như Thủy sinh năm 1976, có thâm niên công tác 24 năm tại BVBNĐ. Chị sống cùng chồng và 2 con bên nhà ba mẹ chồng, khi dịch bệnh bùng phát dữ dội tại TPHCM vào tháng 6/2021, chồng chị lúc đó đang chạy xe cho một trường học cũng phải tạm thời nghỉ việc ở nhà lo cho các con để vợ yên tâm công tác, dù kinh tế khó khăn. Thời điểm BVBNĐ bị phong tỏa (từ 13/6/2021) do nhiều nhân viên bị nhiễm COVID-19, chị là F1 nên cũng bị cách ly. Sau 2 tuần cách ly xong cũng là lúc BVBNĐ được dỡ bỏ phong tỏa, đầu tháng 7/2021, chị xin tình nguyện ở lại bệnh viện trực tiếp chăm sóc người bệnh nhiễm Covid-19 tại khoa Nhiễm E – khoa có bệnh nhân Covid-19 rất đông, vừa có bệnh thở máy, thở HFNC, thở mask….có lúc khoa có gần 100 người bệnh.
 
Ngày 27/7/2021, chị nhận được thông tin ba mẹ của mình bị nhiễm, chị chia sẻ: “Khi nghe tin bên nhà ba mẹ ruột của mình ở Bình Chánh có người bị sốt, tôi quay về để làm test cho gia đình mình thì có đến 4 người bị dương tính, lúc đó cũng rối lắm, nhưng ưu tiên làm thủ tục nhập viện cho ba và mẹ mình vì cả hai đã lớn tuổi, chưa được tiêm vaccine và đều có bệnh nền, sau đó mới tính tiếp cho những người khác trong gia đình.”
 
Ba mẹ chị nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, được chuyển nhiều khoa phòng do diễn biến bệnh thay đổi, nhưng một tuần sau đó, ba chị diễn biến nặng dần và không qua khỏi, đến khoảng 10 ngày tiếp theo, mẹ chị cũng mất. Trong 1 khoảng thời gian ngắn ngủi chị đã mất đi 2 người thân yêu nhất của mình quả thật là một cú sốc quá lớn đối với chị mà không có gì bù đắp được nhưng vì công việc, vì trách nhiệm và người bệnh cũng đang cần đến chị, chị gạt nước mắt đau thương cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu giành giật lại sự sống cho người bệnh. Thời gian này chị gầy sút đến 10kg.
Chị nghẹn ngào tâm sự: “Lúc đó tâm trạng tôi tệ lắm, mỗi lần có cuộc gọi từ người trong gia đình là tôi lại khóc, hay mỗi lần được về nhà thắp nén nhang cho ba mẹ, mỗi lần nhìn lên bàn thờ, tôi lại khóc. Ngày lực lượng quân đội đến bệnh viện để mang ba mẹ tôi đi hỏa táng, tôi chỉ được đứng nhìn họ từ xa, đau lòng lắm chứ nhưng biết làm sao bây giờ, 10 ngày sau Ban chỉ huy quân sự đem tro cốt trao cho gia đình, tôi cũng không thể về nhà để thắp nén nhang vì còn đang chống dịch, tôi khóc rất nhiều, nhiều lắm cảm thấy mình quá bất lực không thể làm được gì cho ba mẹ”.
 
Chị nói thêm: “Tôi nhớ ba mẹ và bị ám ảnh đến mức mỗi lần đi ngang phòng bệnh của ba, tôi thậm chí không dám nhìn vào bên trong. Trước khi bệnh tình của ba diễn biến nặng hơn, tôi có đùa với ba: Ba ơi, ba chịu khó ngủ một chút đi, dậy sẽ khỏe thôi. – Tôi chẳng thể ngờ được đó lại là lần cuối cùng mình được nói chuyện với ba – ba tôi ngủ và không bao giờ dậy nữa. Còn mẹ tôi do khi nhập viện trở nặng quá nhanh, tôi chưa kịp đến thăm và nói chuyện với bà thì bà đã hôn mê và sau đó cũng đã mất. Đến sau này, khi chăm sóc cho những người bệnh lớn tuổi, tôi đều nhớ đến ba mẹ, tôi chăm sóc cho những người bệnh đó thật chu đáo, lúc đó tôi nghĩ cũng như mình đang chăm sóc cho ba mẹ mình vậy. Khi những cô chú lớn tuổi này qua được giai đoạn nguy hiểm, tôi rất mừng và dặn họ cố gắng ăn uống thật đầy đủ để mau khỏe lại, hồi phục được như vậy đã là rất phúc đức nên hãy trân trọng sức khỏe”.
 
Là một trong những nhân viên y tế của một Bệnh viện tuyến cuối về truyền nhiễm tại thành phố Hồ Chí Minh, chị Như Thủy cũng như mọi người đã xác định được sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, hiểm nguy. Tất cả đều hiểu và chấp nhận mọi nguy hiểm cũng chưa thể hẹn ngày trở về gia đình. Phía sau họ là cha mẹ, vợ, chồng, con cái và những người thân trong gia đình đang phải cách ly, giãn cách xã hội với không ít khó khăn trong đời sống. Dù nhiều vất vả và gian truân nhưng tất cả nhân viên vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà ngành y tế thành phố đang giao phó.
 
Giờ đây, khi tình hình dịch bệnh tại TPHCM cơ bản đã được kiểm soát, người bệnh tại khoa Nhiễm E cũng đã giảm, chị Như Thủy quay lại khoa Khám bệnh theo yêu cầu để tiếp tục công việc của mình. Theo chị, làm việc là cách giúp chị tạm quên đi những ký ức đau thương đó, và cũng để tránh để chồng con bắt gặp hình ảnh mình khóc. “Điều tôi mong muốn nhất ở thời điểm này là nhanh hết dịch, mọi người được về nhà, ai cũng khỏe mạnh và không còn người nào mất đi nữa”, chị nói.
Chị Như Thủy chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng
Chị Như Thủy với công việc hàng ngày tại khoa Khám bệnh theo yêu cầu