Hỏi đáp

Dành cho người bệnh

BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI

THÂN THIỆN - AN TOÀN - HIỆU QUẢ

MỘT SỐ LƯU Ý KHI SỬ DỤNG VIÊN NÉN PHỐI HỢP CỐ ĐỊNH LIỀU (FDC) TRONG ĐIỀU TRỊ LAO

Bệnh lao hiện vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế Giới (World Health Organization, WHO), Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên thế giới với khoảng 174.000 người mắc lao mới và 11.000 người tử vong do bệnh lao trong năm 2018 [1]. Tuy nhiên, bệnh lao có thể điều trị khỏi nếu bệnh nhân tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị trong thời gian từ 6 đến 9 tháng [2]. Một phác đồ phối hợp nhiều loại thuốc kháng lao được cho là cần thiết để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế nguy cơ kháng thuốc; nhưng bất lợi đáng kể cho bệnh nhân do số lượng lớn viên thuốc phải sử dụng. Do đó kể từ năm 1994, WHO đã đưa ra khuyến cáo sử dụng dạng bào chế phối hợp cố định liều – FDC (fixed-dose combination) – bao gồm từ hai hoạt chất kháng lao trở lên trong một viên nén, nhằm mục đích đơn giản hóa phác đồ điều trị và tăng độ tuân thủ ở người bệnh. Theo đó, thay vì phải dùng tới 9-16 viên đơn chất mỗi ngày trong giai đoạn điều trị tấn công, bệnh nhân chỉ cần dùng khoảng từ 3-4 viên FDC mỗi ngày. Ngoài ra, viên nén FDC cũng giúp hạn chế việc đơn trị liệu không chủ ý do sai sót khi kê đơn, cấp phát hay có chủ ý do bệnh nhân tự ý bỏ thuốc [3,4].

Hàm lượng và liều lượng được khuyến cáo của viên nén FDC

Đối với viên nén FDC, các hàm lượng của từng hoạt chất đưa vào công thức được thiết kế cẩn thận để đảm bảo sự phù hợp về liều của tất cả các hoạt chất. Theo Phác đồ Bộ Y tế, liều của các viên FDC dao động từ 2-5 viên/ngày tùy theo cân nặng bệnh nhân (Bảng 1) [2,5].

Thuốc hỗn hợp liều cố định

Cân nặng (kg)

25-39 kg 40-54 kg 55-70 kg >70 kg
Giai đoạn tấn công hàng ngày Số viên
HRZE (viên)

(75mg+150mg+400mg+275mg)

HRZ (viên)

(75mg+150mg+400mg)

2

2

3

 

3

4

 

4

5

5

Giai đoạn duy trì hàng ngày
HR (75mg+150mg), viên

HE (150mg + 400mg), viên

2

1,5

3

2

4

3

5

3

Giai đoạn duy trì – tuần 3 lần
HR (150mg + 100mg) (viên)

HR (150mg + 150mg) (viên)

2

3 4

5

Chú thích: R: rifampicin, H: isoniazid, Z: pyrazinamide, E: ethambutol

Trên thực hành lâm sàng, một số nhà sản xuất có thể sử dụng mức cân nặng là 50 kg, thay vì 55 kg như khuyến cáo Bộ Y tế [5]. Ví dụ thông tin kê toa hai sản phẩm Turbezid (Rifampicin/ Isoniazid /Pyrazinamid 150mg/75mg/400mg) và Turbe (Rifampicin/Isoniazid 150 mg/100mg) đều khuyến cáo sử dụng 3 viên/ngày cho người dưới 50 kg hoặc 4 viên/ngày cho người trên 50 kg.

được chia nhỏ viên nén FDC?

Một trong những mục đích bào chế viên nén FDC là để hạn chế việc chia nhỏ liều hay chia nhỏ viên thuốc [4]. Tuy nhiên trong thực tế, viên nén FDC chia đôi hoặc thậm chí chia ba vẫn đang được sử dụng trong điều trị lao để chính xác liều theo cân nặng như hướng dẫn trên.

Thông thường, khi bào chế một viên nén FDC, các thành phần hoạt chất được trộn đều và nén lại bằng máy dập viên, sau đó viên thuốc được bảo vệ bởi quá trình bao phim. Trong quá trình dập viên, các máy dập đều có một độ rung nhất định làm các hạt thuốc có thể bị tách lớp, từ đó ít nhiều dẫn đến sự không đồng đều về phân bố hàm lượng của các hoạt chất, nhất là khi viên thuốc bị chia nhỏ. Bên cạnh đó, việc phá vỡ lớp bao của thuốc cũng làm tăng diện tích bề mặt tiếp xúc của thuốc, từ đó có thể ảnh hưởng đến độ ổn định và sinh khả dụng của thuốc [5,6].

Vào năm 2014, một nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu đánh giá độ đồng đều về hàm lượng của từng hoạt chất trong các đơn vị được chia đôi hoặc chia ba của viên nén FDC ba thành phần Rifampicin 150mg/ Isoniazid 75mg /Pyrazinamid 400 mg. Chế phẩm trong nghiên cứu là viên nén bao phim với một mặt có khắc vạch ngang được sản xuất tại Việt Nam. Các viên nén được chia bằng dao và được phân tích bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC). Tiêu chuẩn đánh giá tính đồng đều áp dụng theo khuyến cáo của dược điển Hoa Kỳ (USP) với giới hạn cho phép trong khoảng từ 85-115% hàm lượng tiêu chuẩn. Kết quả cho thấy trong các đơn vị được chia nhỏ của viên nén, hàm lượng ba hoạt chất không đồng đều và có thể dẫn đến quá liều hoặc thiếu liều. Cụ thể, khi viên nén được chia đôi, số đơn vị không đạt được tiêu chuẩn USP về hàm lượng Pyrazinamid, Isoniazid và Rifampicin lần lượt là 3,33%; 16,7% và 46,7%. Ở các viên nén chia ba, mức độ sai lệch thậm chí còn lớn hơn, có tới hơn một phần ba số đơn vị nằm ngoài giới hạn cho phép với cả ba hoạt chất [6].

Dùng thuốc đúng liều là một trong bốn nguyên tắc quan trọng trong điều trị lao bởi vì các thuốc chống lao có tác dụng hợp đồng và mỗi thuốc cần đạt được một nồng độ nhất định trong máu. Sử dụng liều thấp có thể tạo điều kiện hình thành các chủng vi khuẩn kháng thuốc dẫn đến thất bại điều trị. Ngược lại, liều cao hơn khuyến cáo có thể gây ra các biến cố bất lợi ở bệnh nhân [2]. Hơn nữa, tính tới nay vẫn chưa có nghiên cứu dược động nào so sánh giữa sinh khả dụng của từng hoạt chất trong viên nén FDC kháng lao với các công thức đơn hoạt chất [3]. Do đó để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn trong điều trị lao, không nên chia nhỏ viên nén phối hợp cố định liều (FDC).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. WHO (2020), “It’s time to end TB in Vietnam” available at: https://www.who.int/vietnam/news/commentaries/detail/it-s-time-to-end-tb-in-viet-nam, truy cập: 08/07/2022.
  2. Chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao (ban hành kèm theo Quyết định số 1314/QĐ-BYT ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
  3. WHO Consolidated Guidelines on Tuberculosis, Module 4: Treatment – Drug – Susceptible Tuberculosis Treatment (2022).
  4. Blomberg, B., Spinaci et al (2001). The rationale for recommending fixed-dose combination tablets for treatment of tuberculosis. Bulletin of the world health organization, 79(1), 61-68.
  5. World Health Organization (1999). Fixed-dose combination tablets for the treatment of tuberculosis: report of an informal meeting held in Geneva, Tuesday, 27 April 1999.
  6. Pouplin , Phuong P. N., Toi P. V et al (2014). Isoniazid, pyrazinamide and rifampicin content variation in split fixed-dose combination tablets. PloS one9(7), e102047.

 

 

  1. Hà Thị Cẩm Tú – Khoa Dược Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới